![]() |
Nguồn ảnh: Carrotthie |
Khoảng cách - Khoảnh khắc
Mỗi đứa học sinh luôn có một khoảng cách xa lạ khi vừa mới đặt chân vào cấp 3 - khoảng chênh vênh của tuổi trẻ, nhưng cũng là cơ hội để nó thể hiện hết những kinh nghiệm quý báu được tìm kiếm và ấp ủ suốt bốn năm cấp hai còn khờ dại, nhưng cũng là lúc khoảng cách được mở rộng ra cực độ, hoặc gần nhất, hoặc xa nhất.
Khoảng cách học hành, điểm số, kiểm tra - những con số vô hình, những nhận xét có tâm hoặc không, những lần kiểm tra không đột xuất hoặc có nhắc nhở từ trước vô hình chung vẫn là một thứ áp lực quen thuộc, nhưng luôn mang nỗi sợ hãi mới mẻ với tuổi học trò. Có đứa gánh trên vai kì vọng của cha mẹ, nhưng cũng có những đứa tự tạo ra kì vọng và khắc khổ gánh nó trên đôi vai gầy guộc của chính mình một cách tự nguyện, hoặc không tự nguyện. Bởi vì cấp ba, mang quá nhiều kì vọng của những người chưa một lần mình nhìn rõ thân danh, mà quá ít mong muốn thực sự của chủ thể. Tất nhiên, con nai nào cũng cần đường đi, và chú chim non nào cũng cần phải có sự dẫn lối nhất định.
Nói vui là, khoảng cách từ bàn đầu đến bàn cuối thật sự rất xa, gần ngay trước mắt mà xa tận chân trời, là sự thèm thuồng không thể cất tiếng hay để lộ, là sự khoái trá mà bất cứ đứa bàn cuối nào cũng có: ăn vụng trong lớp có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào khoảng cách, à, là khoảng cách từ bàn mình đến bàn giáo viên là gần hay xa á.
Hay đó cũng là khoảng cách một xăng ti mét nữa là chạm đến khuỷu tay đứa bạn cùng bàn, là đứa đồng hành cùng mình ba năm, là đứa chứng kiến hết thảy dáng ngủ gật xấu xí của mình, là đứa khi nào cũng lăm le lấy đồ mình đem đi giấu, là đứa tự nhiên đem đến cho mình những rung động không báo trước. Lúc khuỷu tay của hai đứa cùng bàn chạm nhau, không là cái rùng mình mới lạ, thì cũng là một cái gì không còn giống như trước nữa. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, cũng chính nó cứu mình những bàn thua trông thấy khi đang cười bỗng nhiên bị cô gọi trả bài, hay cũng nó lấy giùm mình cái ghế đi chào cờ, là nó lén đem cặp mình vào trước để mình đi trễ, tức cười thay dù là đứa giành ăn với mình nhiều nhất nhưng cũng là đứa để dành đồ ăn cho mình đầu tiên.
Khoảng cách thầy cô và học trò, luôn là một khoảng "bự chảng" mà chẳng đứa nào dám vượt qua, muôn đời là thế. Thầy lúc nào cũng nghiêm nghị, ít khi thấy cô cười, cô lúc nào cũng "khó khăn" trong giờ kiểm tra, thầy khi nào cũng "soi" nó vi phạm một chút là bắt phạt ngay tức khắc. Mà đâu ai biết là, thầy cô không dưới một lần nghĩ về những đứa trẻ còn bướng bỉnh mà hơi ngông, không dưới hai lần nghĩ về tương lai mấy đứa nhóc đang phải đối diện mà không khỏi lo lắng một chút về sự lựa chọn của tụi nó. Và thầy cô lại biết tỏng những lời nói dối, hay mấy cái phao bài rởm của tụi nó nhưng lại lặng im, thấy hết mà chẳng nói gì. Khoảng cách giữa người lái đò và người ngồi trên đò được thu hẹp bằng thời gian, đôi khi là một ngày, một năm, mười năm, hay là gần cả một đời.
"Cái khoảng cách" mà bất cứ đứa học sinh nào cũng trông ngóng, là khoảng cách giữa kim giờ và kim phút căn chỉnh như thế nào mà trúng y 8h35 để các con giời phi nhanh xuống căntin ăn tô bún thịt, măm tô mì gà cho no bụng. Lúc buồn ngủ mà ráng mở to mắt, lúc bụng đói kêu leo nheo mà ráng nhịn - khoảng cách giữa phòng học và căn tin nó xa gì đâu...
Cuối cùng, khoảng cách xa nhất, trừu tượng nhất, khó chinh phục nhất - chính là khoảng cách tri thức, khi thầy ở trên bảng thoăn thoắt vẽ hình này đến hình kia, mình thì ở dưới cái hình câu a vẽ còn chưa tròn, não còn chưa kịp tiêu thụ thông tin, tay còn run chép chưa kịp - thì thầy đã chấm dấu chấm hết bài... Mình ước gì Doraemon có bảo bối "Bánh mì ăn vào là hiểu", chỉ cần lên bảng in bài giải và ăn là tự khắc hiểu, đêm đến chẳng phải tốn thời gian để khóc với bài tập nữa.
Thế nhưng mà mỗi "khoảng cách" khác nhau, tự thân nó lại mang những khoảnh khắc quý giá mà mình mất cả đời cũng không thể tìm lại được nữa.
Thật ra khoảng cách của điểm số, của kiểm tra và học hành, mặc dù nó áp lực, nó mệt mỏi và đôi lúc muốn buông bỏ. Mong mỗi đứa đều có cho mình bức tường để dựa, một bầu trời để nhìn và một cái bình để có thể cho hết những nỗi buồn và thả nó trôi ra biển - cho cá mập ăn.
Thiệt sự rất mắc cười khi nhìn mấy đứa bàn đầu thèm thuồng với xoài cốc ổi mận chấm muối ớt của team bàn dưới, đừng dại dột ném quà vặt lên cho bạn nha, coi chừng bị rớt đất hay thầy cô thấy là xui, là ngồi vô sổ đầu bài.
Mình thấy tội đứa ngồi cùng bàn nhất là khi hai đứa cười mà chỉ mình nó bị kêu tên, lúc nó quên vở thì bị kiểm tra bài, lúc nó sốt nghỉ học thì trường cho về sớm, còn lúc nó đi học lại thì một mình nó một bàn kiểm tra riêng. Nhưng mà cũng chính nó an ủi mỗi lúc mình buồn, mỗi lúc mình thất vọng với kết quả, với điểm số, "còn ai trồng khoai đất này" ngoài nó rủ mình làm mấy trò con bò, làm mình "cười như được mùa" ngay trong giờ học của lớp.
Mong là những đứa trẻ, hay nói cách khác là những người ngồi trên đò làm sao đó nhìn thấy được một nụ cười của người lái đò, hay là mấy hành động dễ thương thường nhật của họ. Hoặc là thấy dáng vẻ vừa quen thuộc vừa buồn bã của họ khi lần lượt từng chuyến đò được họ cho cập bến an toàn - những chuyến đò lái đi mà không biết bao giờ mới trở về báo cho họ một tin thành công, một tin tử tế.
Hãy nhớ là muốn có một bữa sáng ngon hãy điện thoại đặt trước chị bé căntin, còn không thì phải là một vận động viên chạy cừ khôi để có thể tranh được một tô súp trước khi cái trường như đàn ong vỡ tổ, còn không thì chỉ còn mì gói, hay tệ nữa là chỉ uống sữa thay bữa sáng mà thôi.
Khép lại, khoảnh khắc mình tập trung toàn lực cho mục tiêu phía trước, khoảnh khắc mình một lòng vì tương lai, khoảnh khắc mình hạnh phúc khi đã giải được một bài tập khó; khoảnh khắc mình vượt qua bao mâu thuẫn để một lần nữa bắt đầu làm quen lại với nhau, khoẳnh khắc mình có nhau giữa niềm vui chiến thắng; khoảnh khắc mình gắn bó với nhau dưới tán cây đầy gió ở trường, khoảnh khắc mình cười vô tư trong lớp, khoảnh khắc mình lo sợ khi chuẩn bị kiểm tra 15 phút; khoảnh khắc nhòe nước mắt khi hôm nay là ngày cuối cùng đi học, khoảnh khắc mà tiếng trống bế giảng cuối cùng mình có thể được nghe vang lên, cùng hằng ha sa số những khoảnh khắc mình lượm nhặt trong ba năm không ngắn mà không dài - đó là khoảnh khắc đẹp mà nhất định cần phải trân trọng, khi khoảng cách làm đứa trẻ vô âu vô lo của mình đang dần khép lại.
---
có những khoảng cách cần phải nhờ đến khoảnh khắc để lấp đầy
Nhận xét
Đăng nhận xét